Ninh Bình đang dần trở thành điểm du lịch thu hút hàng triệu du khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như hàng trăm nghìn du khách nước ngoài mỗi năm. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân và du khách đang là một trong những vấn đề đ
Ninh Bình đang dần trở thành điểm du lịch thu hút hàng triệu du khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như hàng trăm nghìn du khách nước ngoài mỗi năm. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân và du khách đang là một trong những vấn đề được UBND các cấp, các ban, ngành đoàn thể đặt lên hàng đầu.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hường cho biết: Chủ đề xuyên suốt cũng như trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn - Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc do rượu”. Ðể đạt mục tiêu đề ra, chính quyền các địa phương đã phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, nhất là các đơn vị y tế tổ chức tuyên truyền ATVSTP với nhiều loại hình tại cộng đồng như phát thông điệp, viết tin, bài; tổ chức đội thanh niên xung kích tuyên truyền lưu động bảo đảm ATVSTP trên nhiều tuyến đường ở huyện, thành phố... Ðến nay, các cấp chính quyền, đoàn thể đã tổ chức được hơn 220 buổi tập huấn, tư vấn cho gần 5.000 lượt người; tổ chức 1.693 buổi nói chuyện cho hơn 125 nghìn người; tuyên truyền trên báo in, đài phát thanh và truyền hình. Các nội dung tuyên truyền tập trung hướng dẫn người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rượu, rau, thịt, thủy sản an toàn, với thông điệp chính: “Nói không với việc sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt”. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân thông qua các cấp hội từ tỉnh đến thôn, xóm thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng các loại thuốc dùng trong thú y, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy hải sản tại nơi sản xuất; hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác vệ sinh cá nhân trong chế biến thực phẩm nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và các loại bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Vũ Nam Tiến cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật hằng tháng cử cán bộ kỹ thuật xuống từng xã được phân công để hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thực hiện bốn đúng là: Sử dụng thuốc đúng liều; sử dụng thuốc đúng chủng loại; thuốc có nguồn gốc rõ ràng và thời gian thu hoạch đúng quy trình. Ðể kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tại mỗi cánh đồng đều xây một bể xi-măng nhỏ dùng làm nơi chứa đựng bao bì thuốc đã sử dụng, vừa kiểm soát được nhãn mác, chủng loại thuốc vừa tránh ô nhiễm môi trường đối với nguồn nước mặt trên các ao hồ, sông suối do bao bì nông dân sử dụng thuốc vứt bừa bãi như trước đây.
Các ngành nông nghiệp, y tế, công thương... phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra thường xuyên trên các tuyến đường nhằm ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra trong Tháng hành động và thường xuyên trong năm.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Bình Hoàng Trung Kiên cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở đáp ứng về điều kiện ATVSTP, song vẫn xuất hiện một số ít thực phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ (không có hóa đơn hay hợp đồng mua bán để truy xuất nguồn gốc) như rau, quả, thực phẩm hết hạn sử dụng vẫn bày bán hoặc bảo quản chưa đủ tiêu chuẩn quy định. Chính quyền các cấp thành lập 239 đoàn kiểm tra, trong đó 133 đoàn kiểm tra liên ngành và 106 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Qua kiểm tra 950 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, phát hiện xử lý 158 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 78 cơ sở với số tiền hơn 153 triệu đồng, có 32 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm, thực phẩm vì kém chất lượng.
Trưởng phòng Tổng hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Ðinh Văn Khiêm chia sẻ: Vẫn còn hiện tượng “rau trồng hai luống, lợn nuôi hai chuồng”, cho nên việc kiểm soát chất lượng thực phẩm gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, nguồn nước sử dụng trồng trọt, chăn nuôi chưa được kiểm soát, vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt. Mặt khác, việc kiểm soát ATVSTP trong giết mổ, lưu thông gia súc, gia cầm tại chợ và các làng nghề chưa được triển khai thường xuyên, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các ngành với chính quyền cơ sở còn thiếu chặt chẽ, thống nhất. Lực lượng cán bộ làm công tác ATVSTP ở các cấp, các ngành ở cơ sở còn thiếu về nhân lực, yếu chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về ATVSTP; nguồn kinh phí thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý ATVSTP còn hạn chế hoặc cấp kinh phí chậm.
Để bảo vệ sức khỏe cho du khách và người dân, UBND các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc phân bổ kinh phí, bố trí nguồn nhân lực có nghiệp vụ chuyên ngành ATVSTP. Cần phân định rõ hơn việc quản lý ATVSTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; nghiên cứu và xây dựng mô hình “chợ xanh” thí điểm bảo đảm ATVSTP tại vùng có quy mô sản xuất lớn. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn, quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Ngành nông nghiệp áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, cũng như hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.