Nước mắt ngư dân nơi cửa sông Quyền

- Một ngày sau khi cơn bão số 10 đi qua, nhiều chủ tàu của Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngồi thẫn thờ bên bờ đê con sông Quyền, phường Kỳ Ninh, ngước nhìn về phía những con tàu bị sóng đánh chìm trên sông, đánh dạt lên bờ gây hư hỏng nặng.


Một ngày sau bão, đi dọc con sông Quyền, phường Kỳ Ninh mắt thấy, tai nghe những hình ảnh câu chuyện thật xót xa. Ngay sát chân cầu Hòa Lộc có 4-5 con tàu có công suất lớn bị sóng đánh tấp, xếp chồng lên nhau, gây hư hỏng nặng. Anh Nguyễn Xuân Minh một ngư dân ngồi thẫn thờ bên bờ chia sẻ: “Tôi chỉ là thuyền viên, còn chủ tàu sau khi bão đi qua, họ không dám ra nhìn tài sản của mình nữa. Xót xa quá chú ơi, sóng to quá, nhiều con tàu bị đánh dạt vào đây hư hỏng hết rồi.”

Tiến đến một con tàu vỏ gỗ được bọc Comosie bên ngoài bị sóng đánh bật lên triền đê, tàu giờ nằm phơi bụng cách lòng sông khoảng 200m. Một người đàn ông nhỏ bé, mặt đen sạm, anh Chu Văn Cảnh, chủ tàu cá nói:“Khi nhận được tin báo bão, chúng tôi đã cho tàu thuyền về neo đậu ở cửa sông nhưng sóng to, gió lớn đã làm đứt dây, đánh bật vào tận đây. Tàu tôi may mắn không hư hỏng nặng nhưng giờ không biết phải làm sao để đưa tàu ra mép sông. Đã có một số người xuống liên hệ để cẩu, kéo nhưng cái giá phải trả là 20-30 triệu đồng. Nó quá lớn với ngư dân chúng tôi”.

Tàu thuyền của ngư dân bị bão số 10 đánh dạt vào bờ đê sông Quyền gây hư hỏng nặng. 

 

Cách con tàu của ông Cảnh không xa là một con tàu lớn, nước sơn còn mới, hiện đại mang biển hiệu HT 90395 cũng bị sóng đánh nằm phơi bụng trên bờ. Chủ tàu Trần Xuân Hoa, thôn Hải Hà, phường Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh đang vén cây, đi xung quanh tài sản của mình. Anh tâm sự: “Con tàu này tôi mới đóng theo chủ trương hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Tĩnh trị giá hơn 3 tỷ đồng, mặc dù bị sóng đánh dạt vào đây nhưng không hỏng hóc nhiều. Nhưng giờ việc đưa tàu trở lại lòng sông tiếp tục ra khơi là một điều rất khó khăn. Nếu thuê các doanh nghiệp ngoài cẩu kéo thì giá sẽ rất cao. Mong sao địa phương có phương án nào đó hỗ trợ nhân dân thì tốt quá.”

Theo bờ đê, càng đi về phía cửa con sông Quyền, hình ảnh những con tàu bị sóng đánh dạt lên bờ xuất hiện nhiều hơn. Chúng tôi dừng lại khi bắt gặp một người phụ nữ đang ngồi ôm mặt khóc nức nở. Thấy chúng tôi, bà chỉ tay về hướng lòng sông, nơi một con tàu bị lật, chỉ còn một phần mạn tàu nổi lên, rồi nói trong nước mắt: “Tàu của gia đình tôi đó chú ơi, chìm mất rồi! Con tàu do gia đình mới vay mượn mua lại của người khác để con trai bám biển được hơn một tháng, tính cả việc mua sắm trang thiết bị hành nghề cũng ngót nghét gần 800 triệu. Bảo hiểm tàu thì chưa kịp mua. Giờ làm sao đây trời?” Con tàu do gia đình bà Nguyễn Thị Lạnh và ông Phạm Văn Quý, thôn Tiến Thắng – Tam Đồng, phường Kỳ Ninh làm chủ. Bão trôi qua đã 2 ngày, con trai bà đang chạy khắp nơi để tìm lực lượng giúp đỡ nhưng vẫn chưa được.  

Từ trước đến nay, cửa sông Quyền là nơi tránh trú bão chủ yếu của tàu, thuyền ở các xã, phường của huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do việc xây dựng những cây cầu nối hai bờ sông Quyền quá thấp khiến cho tàu công suất lớn không thể vào sâu trong nội địa dễ gặp nguy hiểm khi gió bão lớn. Trong cơn bão số 10 vừa qua, với sức gió, sóng giật quá mạnh khiến nhiều tàu cá của ngư dân neo đậu tại đây bị thiệt hại rất nặng nề.

Bài, ảnh: VIẾT LAM


Tag : 


Các bài viết khác

Dat xe
Dat xe
1