Vùng cao của huyện Nho Quan gồm các xã: Thạch Bình, Xích Thổ, Kỳ Phú, Cúc Phương. Vùng trũng của huyện là những xã giáp sông Hoàng Long như: Gia Tường, Gia Thủy, Ðức Long, Lạc Vân, hằng năm cứ vào mùa mưa thì ngập úng. Lúa chiêm xuân không gặt nhanh là gặp lũ tiểu mãn đầu tháng 5 âm lịch, nước ngập trắng đồng.
Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nho Quan Trần Thị Kim Liên cho biết, xã Thượng Hòa có một ngôi làng chài nhỏ, sống bằng nghề chài lưới, với số hộ nghèo lên đến gần 40%, là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã. Cuộc sống của gần 200 gia đình làng chài rất vất vả vì trên thuyền của họ không có điện, không có nước sạch sinh hoạt, cuộc sống lênh đênh theo “nước sông gạo chợ”. Khó khăn của người dân tác động không nhỏ đến việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, cho nên các thầy giáo, cô giáo phải đến từng gia đình tuyên truyền, tìm cách hỗ trợ, động viên để tạo điều kiện cho con em của họ được cắp sách đến trường. Không ít thầy giáo, cô giáo nhà xa trường nhưng vẫn thường xuyên đến từng gia đình vận động học sinh đi học. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của các trường còn nhiều thiếu thốn, nhiều lớp học đã xuống cấp, thầy trò còn phải vừa dạy, vừa học, vừa hứng nước mưa.
Không chỉ xã Thượng Hòa, các trường thuộc xã vùng cao Xích Thổ, Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, năm học nào chính quyền và gia đình các em cũng chung tay, góp sức để sửa sang trường, lớp học, nhất là hệ thống bàn, ghế, bảng và đèn chiếu sáng, bảo đảm đủ ánh sáng cho học sinh học tập.
Trên địa bàn huyện có Trường THPT Dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, hoặc những gia đình có công, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Nho Quan được thành lập năm 1992, đến nay có 47 giáo viên, trong đó 25 người trực tiếp giảng dạy trên lớp, với 18 cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Hiệu trưởng Ðinh Thị Ngoan cho biết, trường có chín lớp với 304 học sinh đến từ những xã đặc biệt khó khăn trong huyện. Sau nhiều năm được chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh Ninh Bình đầu tư cơ sở vật chất, sách giáo khoa, sách tham khảo, sách pháp luật, đến nay trường cơ bản đã khang trang hơn. Thư viện nhà trường có nhiều chủng loại sách để cung cấp cho cán bộ giáo viên và học sinh học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức khoa học - kỹ thuật và hiểu biết pháp luật, xã hội giúp cho giáo viên và học sinh có điều kiện tra cứu, mở rộng kiến thức. Hệ thống trường, lớp được tu sửa, trang trí lớp học, phòng làm việc, bổ sung, sửa chữa một số máy vi tính, máy chiếu, trang thiết bị dạy học phục vụ cho công tác dạy và học với tất cả số phòng học được kiên cố hóa. Nhà trường còn lắp đặt hệ thống ca-mê-ra để quản lý học sinh cùng khuôn viên xanh, sạch, thoáng mát, giúp các em học tập tốt.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song thầy và trò huyện Nho Quan vẫn gặt hái nhiều thành công. Số học sinh hoàn thành các môn học đạt 99,3% trở lên; 7.249 trong số 11.887 học sinh được nhà trường khen thưởng; hơn 540 em được khen thưởng cấp huyện và 13,4% số học sinh toàn cấp có thành tích xuất sắc trong học tập, góp phần đưa Nho Quan đứng thứ năm trong tổng số tám huyện, thành phố ở tỉnh Ninh Bình.
Bước sang năm học 2017-2018, ngay từ cuối năm học trước, huyện Nho Quan đầu tư tới 60% nguồn thu cho giáo dục; trong đó chủ yếu là xây dựng mới, sửa chữa các trường, lớp học. Huyện chỉ đạo các trường học tiến hành rà soát cơ sở vật chất, phục vụ công tác dạy học; căn cứ vào nhu cầu thực tiễn để có kế hoạch xây dựng, sửa chữa nâng cấp một số phòng học, bảo đảm tất cả các trường đều có đủ phòng học phục vụ năm học mới, không làm ảnh hưởng chất lượng dạy và học trên địa bàn. Hiện, có 15 trường học được đầu tư, nâng cấp mở rộng, với 132 phòng học và phòng chức năng được xây mới, sửa chữa 12 phòng học. Ngoài ra, bằng nguồn vốn xã hội hóa, các trường đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế, tiến hành sửa chữa, nâng cấp các phòng học và phòng chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nho Quan hiện có 67 trong số 81 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nho Quan chủ động lập kế hoạch và phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình, tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhằm giúp các thầy cô giáo được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm dạy học, bổ sung những kiến thức mới phục vụ cho công tác giảng dạy trong năm học mới đạt hiệu quả cao. “Hiện nay, huyện đang triển khai rà soát đội ngũ giáo viên ở các trường, nhất là giáo viên bộ môn; có kế hoạch phân bổ phù hợp, tạo điều kiện để nhà trường và đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, ổn định cuộc sống”, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Trần Thị Kim Liên cho biết. Ngoài ra, nhằm giúp học sinh ở vùng xa, vùng khó khăn, Phòng chỉ đạo các trường học phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra và quyết tâm vận động phụ huynh đưa con em đến trường đầy đủ.