Cần giải pháp giúp du lịch Ninh Bình “giữ chân du khách”
- Cảnh quan đẹp làm nao lòng người và các kiến trúc cổ mang dấu ấn thăng trầm của lịch sử khiến Ninh Bình có thể vượt qua mọi địa phương khác về tiềm năng phát triển du lịch. “Non nước hữu tình”, nhưng liệu Ninh Bình có thể giữ chân du khách?
Giám đốc một Công ty lữ hành tại TP.HCM nói chỉ cần ngồi kể tên thôi thì Ninh Bình có thể giữ ngôi quán quân của du lịch Việt Nam, vượt qua cả Hạ Long. Đó là khu du lịch sinh thái Tràng An, cố đô Hoa Lư, khu Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, động Thiên Hà, chùa cổ Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm…
Hơn nữa, Ninh Bình trở thành cái tên “nóng” hơn sau thành công của bộ phim “Kong - Đảo Đầu lâu”. Vị giám đốc này nói: “Có thể tổ chức các chương trình tham quan 3-5 ngày, nhưng hiện thời các công ty du lịch và lữ hành chỉ đưa khách đến trong ngày rồi rút về Hà Nội…”
Chữ “nhưng” đó được các đại biểu tham dự hội nghị xúc tiến du lịch “Non nước hữu tình” do Ninh Bình tổ chức tại TP.HCM, trong khuôn khổ của hội chợ Du lịch Quốc tế ITE 2017 từ 7-9/9/2017, đem ra chất vấn và yêu cầu có giải pháp.
Không thoát khỏi vấn nạn chung của du lịch Việt Nam
Trước tiên, đó là nạn tăng giá vé tham quan một cách vô tội vạ của các điểm tham quan tại Ninh Bình. Đại diện một hãng lữ hành chuyên về thị trường Nhật nói khách Nhật nghiêng về chiều sâu văn hóa, nhất là những khách trung niên trở lên, nên rất thích Ninh Bình. Thế nhưng, công ty của cô gặp khó khi các điểm tham quan Ninh Bình tăng giá liên tục mà không báo trước. Cô nói: “Giá đã báo với đối tác Nhật, hợp đồng đã ký nhiều tháng trước, chúng tôi không thể tăng giá như Ninh Bình đã làm”.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Đông trả lời rằng du lịch Ninh Bình có đường dây nóng để giải quyết các khiếu nại. Thế nhưng, tình trạng tăng giá vé là chưa thể giải quyết dứt điểm được.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, nêu vấn đề lớn của Ninh Bình là không bảo vệ được nét cổ xưa của các điểm du lịch. Ông cho rằng quần thể chùa Bái Đính mới không thể nào đại diện cho du lịch tâm linh và kiến trúc cổ Việt Nam. Còn khi đến chùa cổ Bái Đính thì cả khách lẫn người hướng dẫn ngẩn người khi thấy các bức tường xưa được thay mới. Ông nhấn mạnh: “Không còn hồn cổ nữa thì sao giữ chân khách…”
Ông Mỹ còn đề cập sự thiếu đa dạng trong dịch vụ ẩm thực và quà lưu niệm của địa phương. Ông kể một đoàn khách từ Sóc Trăng đến Ninh Bình: “Ngày đầu còn hào hứng với ‘cơm cháy, thịt dê’ - hai đặc sản của Ninh Bình. Ngày hôm sau, cũng hai món đó thì khách bắt đầu phát hoảng đòi ăn món khác. Và khi rời Ninh Bình, khách không biết mua món gì làm quà”.
Đại diện một hãng lữ hành khác lại đặt câu hỏi khó. “Đi với hướng dẫn viên địa phương thì tìm được quán bán thịt dê ngon. Nhưng khi tự tìm lại quán đó hoặc tự đi thì dê Ninh Bình không còn ngon nữa. Tại sao?” Câu trả lời từ ngành du lịch Ninh Bình là số lượng dê núi của tỉnh có hạn, đàn dê khoảng 300.000-500.000 con. Đôi lúc, địa phương phải nhập từ... tỉnh bạn để đáp ứng nhu cầu của khách!
Còn tại sao không có quà lưu niệm thì ông Bùi Thành Đông trả lời: “Có 64 làng nghề địa phương nhưng phần lớn làm hàng xuất khẩu!”
Một vấn nạn khác là nạn chèo kéo khách. Bà Dương Thủy từ Hiệp hội Du lịch TP.HCM lại kể câu chuyện riêng. Bà cùng nhóm bạn đến Tràng An vào mùa đông du khách. Người chèo thuyền đã đòi thêm “tiền bo” và không hài lòng khi mỗi người trong nhóm cho 20.000 đồng. Người chèo thuyền luôn miệng mắng “lắm chuyện” hoặc “bà đếch biết” khi khách hỏi. Bà Thủy: “Giận run nhưng vẫn móc túi đưa tiền vì sợ bị dìm đò. Lên bờ xong thì không muốn ở lại Ninh Bình chút nào. Chúng tôi đi xe gấp về Hà Nội!”
Liệu Ninh Bình có thể là điểm sáng mới?
Ninh Bình như vậy vẫn không thoát khỏi “ám ảnh” của ngành du lịch bao lâu nay: Tăng giá vô tội vạ, không giữ được hồn phách, thiếu đa dạng trong các sản phẩm, dịch vụ và giữ được sự lưu luyến của khách. Bà Dương Thủy nói: “Những khách từ phía Nam có khi cả đời mới có dịp ra đến đất Bắc. Một chuyến đi hết hồn sẽ không bao giờ là kỷ niệm để đời khiến khách có thể ở lâu hơn và còn quay lại. Khách trong nước đã khó, khách nước ngoài càng khó hơn”.
Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigon Tourist, cho rằng Ninh Bình cần liên kết với các địa phương khác để tạo ra thế mạnh bổ sung cho nhau. Sự manh mún của phát triển du lịch địa phương không thể tạo ra bức tranh tươi sáng chung. Ông nói: “Buôn có bạn, bán có phường. Chúng tôi gặp khó trong việc tìm khu đất đẹp để phát triển lưu trú. Một khách sạn hay resort của Ninh Bình không thể nào giữ chân du khách lâu. Nhưng một cụm khách sạn hay resort với sự đa dạng về quản lý, phong phú sẽ tạo sự thay đổi lớn”.
Hồ Nguyên Thảo
Tag :
Các bài viết khác