THUNG NỘI LẤM- TUYẾN DU LỊCH MỚI TRONG LÒNG DI SẢN TRÀNG AN - NINH BÌNH

Từ bến đò Tràng An hiện nay, đi thuyền khoảng 15 phút qua hang Lấm là có thể vào đến thung Nội Lấm. Với diện tích gần 90 nghìn m2, chiều Đông - Tây, Nam - Bắc (từ 250 m đến 300 m), từ thung Nội Lấm qua hai quèn phía Tây có thể sang thung Mây. Đây là

Du ngoạn Tràng An là du ngoạn qua các thung, luồn qua các hang với sông nước và hang động kỳ thú tùy theo sự tưởng tượng phong phú của quý khách. Thung Mây có diện tích gấp 2-3 lần thung Lấm và qua hang Vạng ở phía Nam có thể sang Thung Vạng.

Khi chưa khai thông hang Vạng thì chỉ có một đường nước nhỏ đi vào từ hang Lấm. Để sang các thung khác, người ta phải leo qua các khoảng núi sụt thấp-người dân thường quen gọi là quèn.

Theo người dân địa phương, trước đây đường dẫn nước dẫn vào thung Nội Lấm chỉ là một mương nước nhỏ, có thể chống sào đẩy thuyền, hai bên là ruộng canh tác trồng lúa và trồng màu của người địa phương. Khoảng 10 năm trước, người ta tiến hành nạo vét, tháo nước cải tạo tại khu vực này như hiện tại.
 
 
Du khách vào thăm Hành cung Vũ Lâm

 

Trong quá trình hút bùn, khai thôi và mở rộng dòng chảy, nhân dân đã phát hiện nhiều mảnh gốm, sành. Trong khu vực thung, dưới chân núi phía bắc có một ngôi miếu nhỏ thờ các vị thần nhà Đinh. Miếu có móng được xây bằng đá, tường gạch lợp ngói …  

 

Những dấu vết nền móng rộng hơn và mảnh gạch ngói cho thấy ngôi miếu vốn có quy mô rộng hơn, nhưng đã qua nhiều lần sửa chữa và thu nhỏ lại so với kích thước ban đầu. 

 

Tiến sỹ Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Sau thời gian tiến hành khai quật, thám sát khảo cổ học thung Nội Lấm - một địa điểm thuộc hành cung Vũ Lâm thời nhà Trần, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích đáng chú ý, như dấu tích khu vực chứa sét nguyên liệu làm gốm, dấu tích cây gỗ trong lớp bùn đen, dấu tích đá kè đường đi hoặc làm bến nước, dấu tích đường đắp đất… 

Hiện vật khai quật được trưng bày tại Hành cung Vũ Lâm

Kết quả này cho thấy khả năng đã có hoạt động sản xuất gốm tại khu vực này. Bên cạnh đó, số lượng các di vật thu được với trên 5.525 mảnh vỡ nằm ở trên bề mặt và 940 mảnh di vật các loại xuất hiện trong các hố đào.  

 

Qua nghiên cứu, phân tích đã phát hiện nhiều di vật có giá trị rất lớn là các mảnh trang trí kiến trúc, vật thể: đồ gốm tráng men, đồ sành, các cục thóc, gạo hóa than…; các nhà khảo cổ đưa ra giả thiết: khu vực này là nơi sản xuất gốm men vào thời Trần. 

 

Theo các tài liệu lịch sử, hành cung Vũ Lâm là căn cứ địa của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông (lần 2 và lần 3). Nơi đây đồng thời là nơi Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông xuất gia tu hành và mở mang Phật pháp. 

 

Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An vừa phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thám sát thung Nội Lấm thuộc Hành cung Vũ Lâm (thời Trần), nằm trong lòng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.  

 

Tất cả những dữ liệu này đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khu vực thung Nội Lấm vào thời nhà Trần. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật và khảo sát, nghiên cứu khu vực thung Nội Lấm cũng như trong phạm vi rộng hơn của hành cung Vũ Lâm. 

 

Cuộc khai quật thám sát thung Nội Lấm đã thu được những kết quả rất đáng khả quan. Việc phát hiện dấu tích khu dự trữ nguyên liệu sét và những dấu tích đồ phế thải cho thấy khả năng đã có hoạt động sản xuất gốm tại đây.  

 

Sự có mặt của lượng gốm men các loại có đặc điểm thời Trần, dù là sản phẩm được sản xuất tại chỗ hay là đồ dùng thì đều cho thấy tầm quan trọng của khu vực này vào thời Trần.  

 

Sự có mặt của các mảnh tháp tráng men xanh lục góp thêm một chứng cứ cho nhận định trên. So sánh sự tương quan giữa đồ gốm men và đồ sành, có thể đưa ra giả thuyết là khu vực này là nơi sản xuất gốm men vào thời Trần. Đến thời kỳ muộn hơn đồ sành có thể là sản phẩm chính. 

 

Cũng theo tiến sỹ Lê Thị Liên: Việc tiếp tục khai quật và nghiên cứu tính chất, quy mô trong khu vực này có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử hành cung Vũ Lâm, làm rõ những đóng góp của nhà Trần trong việc phát triển kinh tế và văn hóa ở khu vực này ở những giai đoạn sau.  

 

Hiểu thêm thung Nội Lấm - hiểu thêm lịch sử, những đóng góp của nhà Trần trong tiến trình phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. 

 

Theo chị Hoàng Thu Hường, nhân viên Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết: Đây là tuyến du lịch mới được Ban đưa vào khai thác từ đầu năm. Hiện tuyến du lịch này đang trong thời gian hoàn chỉnh các hạng mục: nạo vét, hút bùn, trồng cây …tạo cảnh quan, môi trường thiên nhiên.  

 

Đã có rất nhiều du khách, đặc biệt là các nhà khoa học, du khách có đam mê khám phá về khảo cổ đã tìm về nơi đây. Tuyến du lịch này hoàn thiện sẽ nối kép kín với tour thứ nhất hiện đã được du khách biết, khi đó sẽ trở thành mạng lưới khép kín các vòng tour thăm cảnh đẹp non nước Tràng An./.

Nguồn: Báo Ninh Bình/trangandanhthang.vn