Trước sức mạnh khiếp đảm của lũ lụt, con người bỗng trở nên nhỏ bé và chỉ biết giơ tay kêu trời. Khi nước rút đi, để lại những hoang tàn, mất mát, chúng ta lại gồng mình bắt tay vào dựng xây từ đầu, những ngôi nhà mới sẽ được xây lên, trường học sẽ được tu sửa lại... Nhưng những mạng người đã mất, vĩnh viễn ta không thể có lại họ được nữa.
Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình mà thôi. Những bất cẩn trong xây dựng các công trình dân dụng, đê điều chống lũ lụt, sự thiếu tầm nhìn trong quy hoạch và phòng ngừa rủi ro thiên tai, sự lười biếng tắc trách trong công tác bảo dưỡng hệ thống cống, kênh, rạch thoát nước, cầu dân sinh, lòng tham dẫn đến sự tàn phá man rợ rừng phòng hộ vì lợi ích cá nhân và trước mắt…
Chính những con người trong cộng đồng của chúng ta đã góp phần gây nên thảm họa, cộng hưởng cùng thiên tai để gây hại chính mình. Thử hỏi, những lợi ích trước mắt đó, sánh sao được với thiệt hại khôn lường khi giặc nước đến, mua sao được mạng người vô giá phải ra đi trong lúc còn son trẻ?
Thực tế, triều cường năm nào cũng đột nhập thành phố Hồ Chí Minh, mang đi bao tài sản con người gắng gỏi tích lũy, tạo ra bao lãng phí về năng lực khi gây tắc nghẽn giao thông và hậu họa sau khi nước rút.
Thêm nữa, đồng bằng sông Cửu Long, vựa thóc của quốc gia, có nguy cơ bị biển nuốt chửng trong thời gian không xa nữa…
Chúng ta từng tự hào biết bao về đất nước với thiên nhiên giàu có, ưu đãi: “rừng vàng biển bạc, ruộng đất phì nhiêu”, thì nay rừng vàng dần biến mất, để lại hậu quả lũ lụt khôn lường, biển bạc trở thành hố đen đe dọa hút mất phần thân thể màu mỡ nhất của đất nước.
Khi nhìn ra xung quanh, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng có những quốc gia, hoặc vùng lãnh thổ không được thiên nhiên ưu đãi như chúng ta như Singapore với những hòn đảo nhỏ cằn cỗi, Hongkong đất chật người đông, Hàn Quốc địa thế không thuận lợi, Hà Lan đất thấp và có nguy cơ chìm xuống biển…
Nhưng những con người ở đó, đã biến “nguy” thành “cơ”, sáng tạo vượt trội, và Singapore đã lấn biển liên tục, tạo nên những khu vườn đẹp như thiên đường, Hongkong cũng lấn biển, tạo nên sân bay vào loại đông đúc nhất thế giới, Hàn Quốc thay đổi cả bản đồ quốc gia nhờ lấn biển, và Hà Lan thì trở thành đất nước với công nghệ đê điều ngăn biển hiện đại và hiệu quả nhất thế giới…
Vậy thì thiên nhiên hay con người sẽ nắm quyền quyết định sự ổn định, giàu có, hay rủi ro cho một vùng đất nào đó?
Chúng ta cũng từng tự hào rằng người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó. Vậy thì những người Việt như thế hiện nay đang làm gì? Để đến nỗi quốc gia phải gánh chịu những rủi ro như vậy từ thiên tai?