Ninh Bình: Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do mưa lũ

– Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và sát sao nên Ninh Bình đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên hậu quả do mưa lũ để lại vẫn là vô cùng nặng nề với tổng thiệt hại trên địa bàn

Theo Báo cáo số 327/BC – UBND ngày 16/10/2017 của UBND huyện Nho Quan thì trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có tới 436,03 ha lúa bị ngập, diện tích hoa màu bị thiệt hại là 784,04 ha, 2.630 con gia súc bị chết, hơn 54.200 gia cầm bị chết, hơn 2.540 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Gần 6.200 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, trong đó có tới 2.967 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1 m đến trên 3 m. Có tới 12 trường và điểm trường bị ngập và hư hỏng do nước lũ. Gần 1.800 m kênh mương bị sạt, trôi hư hỏng. Các tuyến đường giao thông bị thiệt hại nặng nề như đường ĐT477 (đoạn qua thôn Bãi Lóng, Quảng Mào, xã Thạch Bình) bị sạt lở đất, đá taluy dương khoảng 800 m; Tuyến đường kết hợp đê bối chiều dài 800 m do nước dâng nhanh, chảy tràn trên mặt gây xói lở, sạt lở khoảng 300 m; Tuyến đường Văn Phú – Kỳ Phú bị sạt lở taluy với chiều dài 700 m; Tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn liên thôn, nội thôn trên địa bàn huyện bị hư hỏng với chiều dài khoảng 15 km.

Một số hộ dân tranh thủ gặt lúa ngay sau khi nước lũ vừa rút
Một số hộ dân tranh thủ gặt lúa ngay sau khi nước lũ vừa rút

Một số công trình thủy lợi bị thiệt hại như: Sạt lở, rạn nứt 2 km tuyến đê Bốn Hốt; Tuyến kè chắn sông Hoàng Long tại xã Đức Long bị rò nước có nguy cơ đổ, vỡ tuyến kè rất cao khi mực nước dâng cao, cần phải được xử lý cấp thiết; một số hồ bị hư hỏng đập chính hoặc bị sạt lở hàm ếch; Sạt lở 450 m mái đê phía sông tại xã Gia Thủy…

Chỉ tính riêng tại huyện Nho Quan, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện đã là 214,703 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngành nông nghiệp là 17,327 tỷ đồng. Còn lại chủ yếu là các công trình bị thiệt hại.

Hơn 6.000 ngôi nhà tại huyện Nho Quan bị ngập sâu trong nước lũ
Hơn 6.000 ngôi nhà tại huyện Nho Quan bị ngập sâu trong nước lũ

Tại huyện Gia Viễn mưa lũ gây ngập lụt cho hơn 1.200 ngôi nhà, trên 2.700 ha lúa ngập úng và 2 trường hợp thiệt mạng do mưa lũ. Tại huyện Kim Sơn, toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản quảng canh ở các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải đã bị ngập lụt nghiêm trọng và mất trắng. Hàng nghìn ha lúa chất lượng cao bị gãy đổ, hư hại. Cùng nhiều đồ đạc, tài sản có giá trị của người dân cũng bị hư hại hoặc trôi theo dòng nước lũ.

Tại TP. Tam Điệp, tuy tình trạng ngập lụt không lớn nhưng tình hình sạt lở đất đồi tại một số vị trí ở phường Tân Bình lại cực kỳ nguy hiểm và đáng báo động. Chỉ từ 4h ngày 10/10 đến 16h ngày 11/10/2017, do ảnh hưởng của mưa lớn diện rộng, tại đây lại xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá tại khu vực Đồi Dài, tổng cộng có tới 7 điểm sạt lở ở nhiều vị trí khác nhau trên đồi đất với khối lượng khoảng 170 m3. Ngoài sạt lở đất vào các hộ gia đình thì khu vực phía sau Cây xăng số 1 còn xuất hiện hiện tượng nước rò rỉ thành dòng chảy qua thân đồi có màu trắng đục, đây là điều đáng chú ý, là mối nguy hiểm cho nhiều hộ dân của phường.

Hàng trăm nghìn khối đất đá đang có nguy cơ sạt lở mạnh bất kỳ lúc nào, uy hiếp hàng chục hộ dân tại phường Tân Bình
Hàng trăm nghìn khối đất đá đang có nguy cơ sạt lở mạnh bất kỳ lúc nào, uy hiếp hàng chục hộ dân tại phường Tân Bình

Trước tình trạng trên, lãnh đạo phường Tân Bình đã xuống kiểm tra, khi thị sát trên đỉnh đồi thì phát hiện nhiều vết nứt dài, sâu và rộng. Trong đó có khe nứt dọc thân đồi dài khoảng 80 – 100 m, chiều rộng từ 0,2 – 0,5 m. Đặc biệt, có chỗ vết nứt rộng tới 1m, độ sâu từ 0,4 m đến gần 1m, đây là điều rất nguy hiểm, tình trạng này đã được các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra và lên phương án xử lý, nhưng trước mắt để đảm bảo an toàn các hộ dân phải di dời đi nơi khác an toàn hơn.

Hiện tỉnh Ninh Bình đang tập trung cho công tác khắc phục sau lũ như: Kiểm tra, gia cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê quai, kè, cống xung yếu, các hồ đập chứa nước xuống cấp cũng được nhanh chóng tu sửa, khắc phục. Nước rút đến đâu thì kiểm tra, xử lý và khắc phục đến đó. Tập trung các đơn vị, lực lượng giúp nhân dân khắc phục sau lũ để bà con sớm ổn định cuộc sống. Khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Công tác cứu trợ, tiếp nhận và giao nhận các nhu yếu phẩm cứu trợ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ cũng được thực hiện một cách nhanh chóng đến từng hộ, từng người dân, không để người nào bị đói, bị khát trong mưa lũ.

Bài & ảnhAnh Tú Báo tài nguyên môi trường