Ninh Bình tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Sau mưa lũ, Ninh Bình đang tập trung gia cố, nâng cấp bể xả của các trạm bơm để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời; tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, các hồ chứa nước và vận hành tối đa công suất các trạm bơm...

Thuyền, bè đã trở thành phương tiện di chuyển chính phục vụ việc đi lại và sinh hoạt của người dân tại tỉnh Ninh Bình.

Trong những ngày qua, trận mưa lũ lịch sử kéo dài liên tục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Nho Quan và Gia Viễn là hai huyện bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh thiệt hại về người, đã có hàng nghìn ha lúa, hoa màu và nhà cửa, công trình, đường sá bị ngập trong mưa lũ. 

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 2 người thiệt mạng ở huyện Nho Quan là em Phạm Hồng Minh (9 tuổi) ở xã Gia Tường và bà Nguyễn Thị Thắm (50 tuổi) ở xã Gia Sơn. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa, hoa màu và thủy sản bị ngập sâu trong nước, mất trắng. 

Trong đó, hơn 4,5 nghìn ha lúa mùa và hơn 1 nghìn ha rau màu vụ đông bị ngập nặng; hơn 3,8 nghìn ha thủy sản bị ngập tràn bờ và hơn 47,3 nghìn gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi. Ngoài ra, có gần 14 km đường giao thông bị hỏng, hơn 151 km bị ngập và nhiều đoạn đê quai, kênh mương bị sạt lở; cống, tường bao bị đổ… 

Nhiều nhà ở, công trình công cộng và tài sản của người dân cũng bị ngập sâu trong nước. Trong đó có hơn 8,8 nghìn nhà ở của dân; 45 trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở làm việc của các xã bị ngập nước và gần 300 tấn lương thực bị ngập, ẩm ướt và bị cuốn trôi. Ngoài ra, hàng nghìn tài sản khác như xe máy, vật gia dụng, đồ dùng sinh hoạt… của người dân cũng bị hư hỏng và bị cuốn trôi. 

Tỉnh Ninh Bình đang tập trung gia cố, nâng cấp bể xả của các trạm bơm để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời; tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, các hồ chứa nước và vận hành tối đa công suất các trạm bơm, tiêu kiệt nước đệm trong đồng để chống úng. Đồng thời, tỉnh tổ chức các đoàn cứu trợ nhu yếu phẩm như: mì tôm, lương khô, nước sạch, thuốc chữa bệnh... đến các vùng bị cô lập do ngập nước giúp người dân bảo đảm cuộc sống. Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, động viên người dân khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa mùa và tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Tin, ảnh: Thùy Dung (TTXVN)