Nho Quan là huyện miền núi có bảy xã giáp ranh với hai tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình; tám xã giáp ranh với các huyện Gia Viễn, thành phố Tam Điệp. Huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là người Mường, cho nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đợt mưa lũ vừa qua, nhiều xã trên địa bàn huyện đã ngập sâu trong nước. Mực nước tại Bến Đế hồi 12 giờ ngày 17-10 ở mức hơn 2 m dưới mức báo động 1. Tại xã Lạc Vân, Huyện đoàn Nho Quan phối hợp lực lượng công an địa phương tham gia vệ sinh môi trường, tuyên truyền về vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Chủ tịch UBND xã Lạc Vân Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Ngay sau khi nước rút, UBND xã tổ chức toàn bộ lực lượng địa phương tỏa xuống các thôn bị ngập để giúp người dân thu dọn nhà, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp gia đình ổn định sản xuất và cuộc sống, giúp các trường thu dọn bùn, rác thải để tổ chức đón học sinh...".
Trường tiểu học xã Thạch Bình nằm ở vị trí cao nên điểm trường không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tuy nhiên, học sinh của điểm trường này vẫn phải nghỉ học bốn ngày, bởi gia đình các em hầu hết đều sống ở vùng bị ngập lụt, nhất là ở khu vực thôn Quảng Mào và Đầm Rừng. Con đường đến trường của học sinh khu điểm lẻ phải đi qua bảy đập tràn. “Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhà trường buộc phải để các em nghỉ học”, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Trưởng khu lẻ Khu B nói. Sau khi nước rút, các em học sinh đã trở lại trường từ đầu tuần. Còn đối với Trường tiểu học Lạc Vân, mặc dù bị ngập khá sâu, nhưng may mắn nước rút nhanh. Với phương châm nước rút tới đâu, công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường được thầy giáo, cô giáo thực hiện tới đó. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các bậc phụ huynh và lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã, đến nay cơ bản khôi phục cơ sở vật chất, trường lớp hoạt động trở lại.
“Đợt mưa lũ vừa qua, tất cả các trường học trên địa bàn huyện phải đóng cửa. Sau khi nước rút, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân công từng cán bộ phụ trách xã, có mặt tại địa bàn cùng chính quyền địa phương và các thầy giáo, cô giáo khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh cơ sở vật chất để tổ chức học tập”, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan Trần Văn An cho biết. Đến thời điểm này, dù còn nhiều việc phải làm, song toàn bộ các trường học đã đón học sinh trở lại trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Vũ Văn Kiểm cho biết: Trong đợt mưa lũ vừa qua, tuy không thiệt hại về người, song huyện miền núi Nho Quan có hàng chục trường bị ngập phòng học, sân trường, khuôn viên, cổng trường, đường tới trường không bảo đảm an toàn cho học sinh. Đến ngày 16-10, nhiều trường cho học sinh nghỉ học do bị ngập nước, bàn ghế, trang, thiết bị phải sơ tán chưa sắp xếp lại được, một số địa bàn còn ngập, bị chia cắt, học sinh đi học gặp khó khăn và nguy hiểm.
Cùng với nỗ lực của địa phương, nhà trường, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đến thăm và tặng quà cho bà con vùng lũ. Trong đó chú trọng đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình học sinh bị thiệt hại nặng sau lũ để hỗ trợ thiết thực bằng vật dụng sinh hoạt hằng ngày, với mong muốn các em tiếp tục vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong năm học. Tính đến 17 giờ ngày 16-10, đã có 84 đoàn tặng quà cho nhân dân 13 xã. Trong đó 3.596 suất quà bằng hiện vật, 9.813 thùng mỳ tôm, 270 thùng và 2.115 gói lương khô, 2.226 chiếc bánh mỳ, hơn sáu tấn gạo và tiền mặt hơn 147 triệu đồng. Trong đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và cứu nạn huyện Nho Quan tiếp nhận 66 triệu đồng, số còn lại các xã ngập úng trực tiếp nhận. “Đến thời điểm này, tất cả các hộ có nhà bị ngập, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do mưa lũ đều được UBND các xã cấp phát quà”, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Đinh Văn Tiên cho biết.