Chùa Bích Động xây dựng trên sườn núi Bích Động thuộc thôn Đàm Khê, xã Ninh Haỉ, huyện Hoa Lư. Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời
( Đường vào chùa )
Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa Bích Động. Bích Động có nghĩa là động Xanh. Cõ lẽ khi chúa Trịnh Sâm đến đây, nhìn toàn cảnh núi, động , sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh nên phải là Động Xanh, cái tên rất đẹp và mộng mơ. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ nên cũng như những ngôi chùa khác được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói ta không có mấu, mũi lượn tròn, các góc của mái đều có đầu đao cong vút lên như hình lưỡi đao ,hoặc như hình cái đuôi con chim phượng, làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển như sóng nước thuỷ triều, nhìn bán diện như hình một chiếc thuyền rồng ngoạn mục trôi trên nước hoặc như hai cánh chim đang dang rộng bay lên.
Nhưng chùa Bích Động lại xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.
( Chùa Hạ )
Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là ''Bích sơn bát cảnh'', ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ.
Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá thư thế là một kỳ công.
( Chùa Trung )
Sau khi tham quan chùa hạ, trở ra sân quay về hướng Bắc, bước khoảng 80 bậc đá men quanh sườn núi, tới lưng chừng núi là đến chùa Trung, kiến trúc bán mái phía ngoài. Đây là một chùa rất độc đáo, ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục...
( Chùa Thượng )
Lên chùa Thượng, du khách phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ phật bà Quan Âm . Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động.
Bích động quả là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy.