Chiêm bái tâm linh và thưởng ngoạn non nước Ninh Bình

Từ cổ tự linh thiêng với những ngôi chùa trong hang núi cho đến tân tự hoành tráng với chính điện đồ sộ, tháp cao chọc trời, Bái Đính chính là gạch nối, minh chứng cho sức sống trường tồn của Phật giáo trên đất Việt.

Con đường sạch sẽ, rợp bóng cây xanh mát ven những hồ sen, qua hàng loạt cây cầu chạm khắc đá tinh xảo dẫn chúng tôi đến danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Rộng gần 6.200 ha, Khu di sản quần thể danh thắng Tràng An chứa đựng nhiều giá trị nổi bật với 40 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Ngày 23/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar), UNESCO đã chính thức ghi danh quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đến với quần thể danh thắng Tràng An, du khách có thể chiêm bái tâm linh ở chùa Bái Đính và thưởng ngoạn phong cảnh non nước hữu tình kỳ vĩ tại khu du lịch Tràng An.
 
 
Chiem bai tam linh va thuong ngoan non nuoc Ninh Binh
 Du khách chiêm bái 500 tượng La Hán được đặt dọc hành lang chùa Bái Đính.
 
Nếu như Bái Đính cổ tự khiến du khách ấn tượng bởi lối kiến trúc chùa nằm trong hang động khá phổ biến ở nước ta và các tích lưu truyền huyền bí thì Bái Đính tân tự lại khiến ta ngỡ ngàng bởi sự hoành tráng, bề thế. Từng bậc đá dẫn lên cổ tự, con đường lát đá rợp bóng tre dẫn từ cổ tự sang tân tự khiến cho du khách có cảm giác được trải nghiệm, chiêm nghiệm về sự tiếp nối văn hóa tâm linh.
 
Ấn tượng về chùa trong hang và pho tượng gỗ mít gần 1.000 năm tuổi
 
Từ Giếng Ngọc, chúng tôi bắt đầu hành trình vượt 287 bậc đá bằng phẳng xếp chồng lên nhau để lên Bái Đính cổ tự. Đường xa, dốc cao nhưng không làm nản lòng du khách khi thành tâm hướng về cõi thiêng. Bởi nửa chặng đường thôi, khi du khách vừa bắt đầu thấm mệt thì đã thấy "Cổng tam quan” ngay trước mắt. "Cổng tam quan” được coi như cánh cổng ngăn cách giữa đất và trời. Nên bước qua cánh cổng này, cảm giác mát lạnh ập đến, mọi mệt mỏi tan biến. Dừng chân vài phút, lữ hành như được tiếp thêm sức mạnh, nhẹ bước chân hướng lên cổ tự.
Bái Đính cổ tự nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh bao gồm một nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang Sáng thờ Phật và Thánh Cao Sơn; bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên.
 
Bái Đính cổ tự nằm trên đỉnh núi Đính, cao 187 m, được xây dựng cách đây gần 1.000 năm. Để lên được chùa Bái Đính cổ, chúng tôi chọn điểm xuất phát đầu tiên bắt đầu từ Giếng Ngọc. Bái Đính cổ tự không có những mái chùa cong vút mái đao hay mũi hài, càng không có những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Chùa cổ Bái Đính được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến ở Ninh Bình. Toàn bộ các ban thờ Phật, thờ Mẫu của chùa cổ Bái Đính được đặt giữa lòng những sơn động u minh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nơi cửa thiền. Trần hang động trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã bao thế kỷ nay.
 
 
Cúi đầu qua vòm cửa hang, thành tâm hành lễ tại ban thờ Thánh Hiền, ban thờ Đức ông, du khách sẽ đi thẳng vào trung tâm chùa, dưới vòm hang rộng, kiên cố, che chắn là nơi ngự tượng Tam Thế, tượng Thích Ca và tượng Quan âm. Cuối hang Sáng xuất hiện một cửa hang sáng và rộng. Đặc biệt, trong khi toàn bộ tượng trong hang đều là tượng đồng dát vàng thì tại đây lại đang thờ một bức tượng thánh Cao Sơn bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng.
 
Chia sẻ về sự khác biệt này, chị Nghiêm Thị Tâm – hướng dẫn viên Khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính cho biết: Năm 2003, chùa Bái Đính mới được xây dựng, các bức tượng gỗ trong chùa đều được thay thế bằng tượng đồng dát vàng để được trường tồn. Trước khi thay tượng, nhà chùa đều làm các thủ tục về tâm linh, duy có bức tượng Thánh Cao Sơn, khi hành lễ xin thay tượng thì tượng gỗ đổ mồ hôi, âm dương không được. Có lẽ điều này thể hiện sự mong muốn giản dị nhưng cũng rất ý nghĩa rằng: Thánh giản dị, Thánh gần gũi và ở ngay xung quanh chúng ta. Đó cũng chính là lý do làm nên sức sống của Thánh Cao Sơn trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Từ vị trí đặt tượng Thánh Cao Sơn có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ thung lũng bên dưới.
 
Trở ra từ động Sáng, du khách sẽ đến với hang Tối. Hang Tối lớn hơn động Sáng gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong hang Tối có giếng Ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống.
 
Ngay trước cửa hang Tối, tựa lưng vào vách núi là đền thờ Thánh Nguyễn (tức quốc sư Nguyễn Minh Không) là người sáng lập chùa Bái Đính. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh "hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân.
 
Từ Bái Đính cổ tự, thả bộ khoảng 800 m trên con đường lát đá, xuyên qua khu rừng tre nứa xanh mát, du khách sẽ đến với Bái Đính tân tự - trung tâm Phật giáo, ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất của Việt Nam.
 
Ngôi chùa của những kỷ lục
 
Bái Đính tân tự tọa lạc trên triền đồi Ba Rau. Vị trí của chùa được đặt theo thuyết phong thủy cổ "tiền thủy, hậu sơn”, phía trước là hồ Đàm Thị, sông Hoàng Long, phía sau là núi Đính. Xuyên từ chùa cổ sang nên chúng tôi đã tham quan, thưởng ngoạn chùa mới từ trên đỉnh xuống với điểm dừng chân đầu tiên là Điện Tam Thế. Điện Tam Thế là công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, hoành tráng nhất trong số các công trình kiến trúc ở chùa Bái Đính mới và cũng là điện thờ Phật lớn nhất hiện nay ở nước ta. Nhìn từ xa, Điện Tam Thế như ngôi nhà sàn khổng lồ. Trong điện thờ 3 pho tượng Tam thế đại diện cho 3 thời "quá khứ, hiện tại, tương lai”. Mỗi pho tượng cao 7,2 m, nặng 50 tấn đồng dát vàng được xác lập kỷ lục là "Bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Màu vàng của đồng, của nhà Phật phủ kín không gian mang lại một cảm giác rất riêng, linh thiêng nơi cửa Phật.
 
 
Qua Điện Tam Thế là đến tháp chuông 3 tầng với 24 mái đầu đao cong vút. Bên trong tháp chuông là quả chuông nặng 36 tấn đã được xác lập kỷ lục "Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam”. Ngay dưới quả chuông là chiếc trống đồng nặng hơn 70 tấn. Từ tháp chuông, xuôi theo con đường lát đá, du khách sẽ tiến vào điện Quan âm gồm 7 gian với gian giữa đặt tượng Quan Thế âm Bồ Tát nghìn mắt, nghìn tay. Tại đây, du khách sẽ được các hướng dẫn viên của khu du lịch giới thiệu, giải thích về nguồn gốc của Quan Thế âm Bồ Tát và việc Quan Thế âm mở rộng vòng tay bao dung cứu khổ, cứu nạn nhân gian.
 
Ngoài ra, Bái Đính tân tự còn có các công trình quy mô và đồ sộ khác như: Tam Quan, Điện Pháp Chủ, Tháp Bồ Đề…đều được xây dựng hoành tráng với kỹ thuật tinh xảo.
 
Sau khi thăm quan các công trình chính của nhà chùa, xuôi theo dãy hành lang, trên "Con đường La Hán dài nhất châu á”, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 500 bức tường La Hán đặt dọc hành lang. Điểm đặc biệt của các tượng La Hán này là được làm hoàn toàn bằng đá xanh do chính bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Ninh Bình chế tác. Mỗi tượng cao 2 – 2,5 m, nặng từ 2-2,5 tấn. Mỗi tượng bộc lộ một hình dáng, thần thái khác nhau thể hiện triết lý đạo giáo với những hỉ, nộ, ái, ố trong đời sống thường nhật con người. Tượng được đặt ở dọc hành lang với ý nghĩa luôn gần gũi, dìu dắt và giáo dưỡng chúng sinh.
 
Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy; nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế cùng cảnh quan hùng vĩ, không gian tâm linh thanh tịnh khiến cho mỗi bước chân vãn cảnh chùa đều thấy thư thái, lòng sáng, tâm tịnh, hướng đến chân – thiện – mỹ. Hiện nay, chùa Bái Đính tiếp tục xây dựng thêm một số công trình như Học viện Phật giáo, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục dang dở. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 khi hoàn thành, Bái Đính sẽ trở thành trung tâm Phật giáo không chỉ của Việt Nam mà là của cả Đông Nam á.
 
Từ cổ tự linh thiêng với những ngôi chùa trong hang núi cho đến tân tự hoành tráng với chính điện đồ sộ, tháp cao chọc trời, Bái Đính chính là gạch nối, minh chứng cho sức sống trường tồn của Phật giáo trên đất Việt.
Theo Báo Hòa Bình