TP Hồ Chí Minh sẽ thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2020

TP Hồ Chí Minh sẽ thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2020

Công ty CP  Tiên Phong vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh đề án thu phí  vào trung tâm. Đề xuất lần này có nhiều nghiên cứu mới trong việc áp dụng công nghệ thu phí. Sau khi thống nhất ý kiến của các sở, ngành, dự kiến năm 2020 sẽ triển khai đề án này.
Sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID)
Ông Lâm Thiếu Quân - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho biết, sau khi cập nhật, bổ sung ý kiến góp ý cho phù hợp với tình hình thực tế phương án lắp trạm thu phí theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu triển khai năm 2019, bằng hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm, gồm hệ thống 36 cổng thu phí đa làn không dừng và một trung tâm điều hành. Trung tâm này có nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống. Giai đoạn 2 gồm 39 cổng thu phí sẽ lắp đặt năm 2027, khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh cùng hoạt động.
TP Hồ Chí Minh sẽ thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2020
 Phương án thu phí ô tô chống ùn tắc sẽ được áp dụng rộng rãi hơn khi các tuyến metro của TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động - Ảnh: Quốc Vĩnh
Về thu phí, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho biết, ở bước đề xuất  lần này,  đã cập nhật và xây dựng 3 kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian từ 6h - 17h. Cụ thể, phương án 1, xây dựng mức phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con, taxi, xe vận chuyển khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ. Phương án 2, thu phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con và taxi. 50.000 đồng cho xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định. Phương án 3, mức phí 30.000 đồng cho taxi, 40.000 đồng cho ô tô con, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe khách du lịch.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đề xuất có xem xét việc áp dụng mức thu phí trong các giờ cao điểm như: 6h-9h và 16h-19h, các khung giờ khác không thu phí. Đây có thể là phương án được áp dụng cho giai đoạn đầu thực hiện dự án.
Đặc biệt, điểm mới của phương án lần này là sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR) đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 xe ô tô/giờ/làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 1.660 tỷ đồng so với giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỷ đồng.
Để giám sát việc thu phí, đề án triển khai các điểm cung cấp bộ kích hoạt tài khoản (trong đó có thẻ RFID miễn phí) cho chủ phương tiện đăng ký lần đầu. Mỗi phương tiện sẽ được phép di chuyển vào trung tâm miễn phí cho đến khi sử dụng hết khoản phí sử dụng đường bộ đã đóng qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới mỗi tháng. Từ những lần kế tiếp, khi xe đi qua cổng thu phí hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản và thông báo bằng tin nhắn cho tài xế.
Đối với các xe vãng lai từ nơi khác lưu thông vào trung tâm TP Hồ Chí Minh và chưa đăng ký tài khoản trên hệ thống, sẽ cần mua bộ kích hoạt tài khoản nhưng không được giảm trừ với khoản phí sử dụng đường bộ đã đóng qua đăng kiểm. Đề án nghiên cứu lần này vẫn thu phí đối với xe biển xanh, xe buýt miễn phí, xe taxi và có giảm trừ thu phí quỹ bảo trì đường bộ đối với những xe đã đóng. Đối với những người ở trong trung tâm thành phố sẽ làm thẻ giảm trừ tối đa mức phí phải đóng.
Còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận
Dù đã đề xuất những phương án khá cụ thể, nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng chưa thực sự đồng thuận và đặt ra nghi vấn liệu dự án thu phí ô tô vào nội đô có phát sinh phí chồng phí? Tên gọi của loại phí này như thế nào để người dân hiểu và đồng thuận?...
Đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là dự án thu phí không có trong Luật Phí và lệ phí của Nhà nước. Do vậy, đề nghị  cần làm rõ nguồn thu phí như thế nào. Đồng thời, việc các xe vi phạm không nộp phí, lực lượng CSGT, TTGT có thẩm quyền xử phạt hay không?
Đại diện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, đề án thu phí ô tô cần thống nhất tên gọi thu phí để không bị nhầm lẫn. Dự án thu phí chống ùn tắc trong nội đô nhưng nhà đầu tư có xem xét bên ngoài vành đai có xảy ra ùn tắc hay không khi các phương tiện di chuyển ra ngoại thành để tránh phí ở trung tâm. Nhà đầu tư đưa ra mức phí 30.000-50.000 đồng/lượt dựa vào cơ sở nào, bởi mức thu này không nhỏ?
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là đề án thu phí chống ùn tắc vào nội đô thành phố, không phải thu phí bảo trì đường bộ. Mục tiêu dự án không phải để kinh doanh thu tiền người dân mà nhằm giảm ùn tắc giao thông. “Đề án thu phí ùn tắc vào nội đô khi triển khai, người dân cần chấp nhận luật chơi, cân nhắc trước khi đi phương tiện vào trung tâm hoặc chọn phương tiện khác”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, về mặt pháp lý việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong quy định. Tuy nhiên, thành phố đã có kiến nghị T.Ư cho phép áp dụng quy chế đặc thù được triển khai áp dụng việc thu phí này. Kinh phí từ thu phí sẽ do thành phố quản lý.
Ông Cường đề nghị chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư tiếp nhận góp ý của các sở, ngành hoàn thiện, làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất. Sau đó, gửi Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh xem xét mới có cơ sở lập dự án khả thi. Tiến độ lạc quan của đề án có thể đến năm 2020 sẽ triển khai để đồng bộ với tuyến metro số 1.
Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) thông tin, về pháp lý không có quy định CSGT xử phạt phương tiện giao thông không nộp phí ô tô vào trung tâm. Việc thu phí này có đảm bảo không gây ùn tắc giao thông trong trung tâm, hay gây ùn tắc thêm tại các trạm? Đã thu phí trạm rồi nay còn làm thêm nữa, người dân sẽ thắc mắc phí chồng phí? Mục đích thu phí có giải quyết được ùn tắc hay không? Đây là những vấn đề cần làm rõ trước khi đề án triển khai. 
Theo Baogiaothong.vn